Từ nhân vật kinh điển Nhạc Bất Quần: Triết lý phân biệt quân tử, tiểu nhân bất cứ ai cũng nên hiểu rõ
Trong Nhạc Bất Quần – nhân vật phản diện kinh điển của Kim Dung hàm chứa nhiều triết lý đáng suy ngẫm.
Nhạc Bất Quần là nhân vật kinh điển trong Tiếu ngạo giang hồ. Hình tượng thư sinh nho nhã nhưng trong lòng ẩn chứa nhiều dã tâm khó lường của Nhạc Bất Quần từng được thể hiện thành công bởi các tài tử như Tăng Giang, Cổ Tranh, Vương Vĩ , Ngụy Tử, Huỳnh Văn Hào…
Nhạc Bất Quần do Nguỵ Tử thể hiện trong bản Tiếu ngạo giang hồ năm 2001.
Nhạc Bất Quần không chỉ là một nhân vật phản diện bình thường, hắn là đại diện tiêu biểu của kẻ “nguỵ quân tử”.
Trước mặt nhân sĩ võ lâm, hắn luôn miệng nói về nhân nghĩa lễ trí tín nhưng sau lưng lại ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn hòng chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ của Lâm gia.
Văn sĩ Kim Dung cũng như các bộ phim chuyển thể từ cuốn Tiếu ngạo giang hồ đã khắc hoạ nhân vật Nhạc Bất Quần cực kỳ khéo léo.
Qua việc soi chiếu bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần, người ta có thể nhận ra những dấu hiệu giúp phân biệt rõ ràng đâu là người quân tử, đâu là kẻ tiểu nhân.
Từ đó, chúng ta không chỉ hiểu rõ hơn về nhân vật kinh điển Nhạc Bất Quần mà có thêm được những chiêm nghiệm đáng quý.
Trí tuệ tài năng
Trí tuệ không chỉ nói đến sự thông minh hay học thức cao. Thực tế rất nhiều người học cao, thông minh nhưng vẫn chưa đạt đến cảnh giới “quân tử”. Còn có nhiều kẻ khôn ngoan, giảo hoạt, dù có được trí thông minh thì cũng chỉ là kẻ tiểu nhân.
Trí tuệ của người quân tử không phải là cái khôn nhất thời để chiếm đoạt lợi ích cho mình mà là trí huệ cao xa, lòng dạ quang minh chính đại, khoan dung độ lượng. Đây chính là điểm khác biệt của quân tử.
Xét về tài năng, Nhạc Bất Quần là sư tôn một danh môn, sáng lập ra một Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, đại diện cho danh môn chính phái trong võ lâm.
Mỗi khi Nhạc Bất Quần xuất hiện trong phần đầu Tiếu ngạo giang hồ, các nhân sĩ thường gọi hắn bằng hai chữ “tiên sinh” để ca ngợi tài năng của Nhạc Bất Quần.
Thế nhưng ít ai biết được đằng sau tài năng hơn người đó, hắn thực chất là một kẻ nham hiểu, xảo trá, dùng võ công và danh tiếng của mình cho mưu đồ nhỏ mọn. Chính vì thế không thể coi Nhạc Bất Quần là người quân tử.
Kết giao bạn bè
Người quân tử kết giao bạn hữu để tìm kiếm tình thâm nghĩa nặng chứ không xuất phát từ lợi ích, danh tiếng. Họ ứng xử với người bằng tấm lòng ngay thẳng, chính trực, công bằng, không thiên vị.
Còn kẻ tiểu nhân thì quen biết người hòng kết bè kéo phái. Trong lòng họ đầy rẫy nghi tâm, nghi kỵ dù ngoài mặt nói nói cười cười nhưng thực chất luôn muốn điều khiển người khác theo ý mình.
Ngược với cái tên Nhạc Bất Quần có nghĩa là không kết thân cùng ai, hắn kết giao với rất nhiều hào sĩ giang hồ chính phái. Khi muốn đổ oan cho Lệnh Hồ Xung, Nhạc Bất Quần lợi dụng những mối quan hệ bè phái này của hắn để khiến mọi người quay lưng với thiếu hiệp họ Lệnh.
Ngược với cái tên Nhạc Bất Quần có nghĩa là không kết thân cùng ai, hắn kết giao với rất nhiều hào sĩ giang hồ chính phái.
Lời nói và hành vi
Từ xưa có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”. Một lời của người quân tử khi đã nói ra là mang nặng uy tín, không thể thay đổi.
Người quân tử tiếp nhận, bao dung hết thảy ý kiến bất đồng, cũng không giấu giếm lòng mình, bộc trực thẳng thắn ngay từ lời nói. Nhưng kẻ tiểu nhân thì luôn giấu kỹ suy nghĩ của mình, bằng mặt mà không bằng lòng.
Nhạc Bất Quân luôn muốn được sống phóng khoáng như Lệnh Hồ Xung nhưng ngoài mặt lại lên giọng răn đe đại đệ tử nát rượu. Hắn thèm khát bí kíp gia truyền “Tịch Tà kiếm phổ” của nhà họ Lâm nhưng lại giả vờ không cần.
Nhạc Bất Quần luôn ghen tị với Lệnh Hồ Xung nhưng không dám thể hiện ra ngoài.
Nhạc Bất Quần thấy Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương truyền thụ Độc cô cửu kiếm, sợ Lệnh Hồ Xung nổi tiếng hơn hắn nên chỉ muốn giết Lệnh Hồ Xung cho hả giận.
Tuy muốn giết Lệnh Hồ Xung vì đố kỵ nhưng Nhạc Bất Quần không muốn tự tay mình làm bèn vu khống cho Lệnh Hồ Xung là giao du với bọn “tà ma ngoại đạo” là Lưu Chính Phong và Khúc Dương Trưởng lão để huỷ hoại danh tiếng của anh. Đây chính là hành động hèn hạ của một kẻ tiểu nhân.
Khí chất quân tử
Khí chất của người quân tử tuy là khái niệm rất khó trình bày rõ ràng nhưng có thể tóm gọn trong những yếu tố sau: Không sợ uy lực kẻ mạnh, luôn chở che cho kẻ yếu, dù giàu sang cũng không tha hóa, tuy bần hàn mà không hèn hạ.
Người quân tử ung dung, bình thản mà vẫn được người đời tôn kính. Còn kẻ tiểu nhân thì khoe mẽ, thùng rỗng kêu to, luôn phải nghĩ cách để giữ gìn tiếng tăm mình mất công tạo dựng.
Là đại diện cho chính phái mà Nhạc Bất Quần không giúp đỡ người yếu thế chống lại cường bạo. Hắn chỉ chăm chăm khuếch trương thanh thế của mình, đi tới đâu cũng ra vẻ là một trưởng môn nhân đạo mạo để mọi người phải nể phục.
Không mưu cầu tư lợi
Một điều khác biệt cơ bản nữa là người quân tử một đời theo đuổi đức hạnh còn kẻ tiểu nhân ngày ngày chỉ lo tranh đoạt lợi lộc. Người quân tử luôn lấy việc tu dưỡng bản thân làm trọng yếu. Kẻ tiểu nhân ngược lại luôn phán xét vào người khác.
Họ yêu cầu người khác rất cao nhưng lại tự buông thả, không chấn chỉnh chính mình. Bởi thế trước những rắc rối, thay vì hành xử đàng hoàng tự tin thì tiểu nhân thường chọn thủ đoạn thấp hèn.
Để chiếm được Tịch tà kiếm phổ, Nhạc Bất Quần không danh chính ngôn thuận xin về mà dùng chính con gái của mình là Nhạc Linh San làm mồi nhử rồi đổ oan cho Lệnh Hồ Xung. Thậm chí, hắn còn âm thầm hại chết trưởng môn phái Hằng Sơn.
Vì giấc mộng bá chủ võ lâm, hắn cũng sẵn sàng tự cung để học Tịch tà kiếm phổ.
Nhạc Bất Quần bất chấp tất cả dùng đến tất cả những hành vi bỉ ổi nhất để tranh giành tư lợi cho mình, kể cả có phải hi sinh chính người thân hay bạn bè đồng đạo.
Và cuối cùng, Kim Dung đã dành cho nhân vật đặc biệt này một kết cục bi thảm: gia đình tan nát bị mọi người vạch mặt chỉ tên và bị chết dưới tay kiếm của một ni cô thánh thiện có bản chất hoàn toàn đối lập với hắn – chưa bao giờ biết đến sự dối trá oán thù.
Đây cũng là hệ quả tất yếu của một kẻ tiểu nhân lòng dạ gian ác.
Nhạc Bất Quần phải chịu kết cục xứng đáng với nghiệp quả mà hắn tạo ra.
Dù là xã hội thời nào, khái niệm quân tử – tiểu nhân vẫn luôn đúng. Đã là người quân tử thì luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến còn kẻ tiểu nhân phải chịu sự chê trách, coi thường.
Tất nhiên chẳng ai muốn nhận mình là tiểu nhân mà thường khoác lên mình bộ mặt giả quân tử. Những kẻ nguỵ quân tử như vậy rất khó để nhận biết, ranh giới giữa chính nhân và nguỵ quân tử nhiều khi vô cùng mong manh.
Chính vì vậy, khi nhìn nhận người khác ta nên hết sức cẩn trọng suy xét để nhận ra được người quân tử.
Nhất là tránh việc chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá con người, rất dễ bị vẻ đạo mạo như của Nhạc Bất Quần đánh lừa, nhận lầm là quân tử.
Theo soha.vn