Vì sao 4 người học trò dù xuất sắc siêu phàm vẫn phải bái Khổng Tử làm thầy
Khổng Tử là nhà tư tưởng, triết học, chính trị lỗi lạc trong lịch sử, những giai thoại về cuộc đời ông là những bài học quý giá cho hậu nhân.
Tể tướng thiếu niên Công Tử Hành trị quốc
Công Tử Hành người nước Sở, mới 15 tuổi đã đảm nhận chức Tể tướng. Sau khi Khổng Tử nghe chuyện này, liền phái người đến nước Sở thăm dò tình hình triều chính ở đó như thế nào.
Sứ giả sau khi trở về nước Lỗ, đã báo lại rằng: “Triều đình nước Sở xem ra rất thanh tĩnh, không có đại sự gì, đặc biệt là trên cung điện chỉ có 5 lão nhân, ở bên dưới hành lang chỉ có 20 binh sĩ trẻ tuổi”.
Khổng Tử nói: “Có thể kết hợp và phát huy trí tuệ của 25 người này lại, có thể thống trị cả thiên hạ cũng không xảy ra vấn đề gì, huống chi chỉ là một nước Sở mà thôi”.
4 người học trò ưu tú của Khổng Tử
Một ngày, học trò Tử Hạ hỏi Khổng Tử: “Theo lão sư, Nhan Hồi là người như thế nào?”
Khổng Tử nói: “Nhan Hồi thành tín hơn ta”.
Tử Hạ lại hỏi: “Vậy Tử Cống thì sao?”
Khổng Tử nói: “Tử Cống thông minh hơn ta”.
Tử Hạ lại hỏi: “Còn Tử Lộ thì như thế nào?”
Khổng Tử nói: “Tử Lộ dũng cảm hơn ta”.
Tử Hạ hỏi tiếp: “Còn Tử Trương thì sao?”
Khổng Tử nói: “Tử Trương đoan chính hơn ta”.
Tử Cống thấy rất kỳ lạ: “Nếu như thầy nói, vậy 4 người bọn họ vì sao lại phải bái thầy làm sư?”.
Khổng Tử bèn trả lời:
“Nhan Hồi rất thành kính. Nhưng lại không biết một số việc không đáng để hứa hẹn và không đáng thực hiện, đó mới thực sự là thành tín.
Tử Cống rất thông minh, nhưng lại không biết đôi khi phải hài lòng với chính mình, đây mới thực sự là thông minh.
Tử Lộ rất dũng cảm, nhưng lại không biết có những lúc phải biết sợ hãi, thì mới là dũng cảm thực sự.
Tử Trương rất đoan chính, nhưng lại không biết người quân tử đoan chính đích thực là như thế nào, vừa cúi đầu vừa ngẩng đầu, mà vẫn có thể là quân tử, thì mới là quân tử đích thực.
Vì thế, có kết hợp ưu điểm của 4 người họ lại để trao đổi với ta, là điều ta không nghĩ tới, cũng không quan tâm. Đây chính là nguyên do vì sao ta là lão sư của họ”.
Đời người có 3 niềm vui đặc biệt
Một ngày nọ, Khổng Tử và một số học trò đến núi Thái Sơn du ngoạn, gặp một người tên là Tống Thanh Kỳ. Người này mặc một chiếc áo choàng da hươu, thong dong phóng khoáng gảy đàn ca hát.
(Tranh minh họa từ trxfl.com)
Khổng Tử hỏi: “Nhìn tiên sinh vui vẻ như vậy, có phải là có chuyện tốt gì không?”.
Tống Thanh Kỳ nói:
“Chuyện tốt đáng để vui mừng thì có nhiều lắm, đặc biệt là có ba chuyện:
Thứ nhất, trời sinh vạn vật, con người là tôn quý nhất trong vạn vật, ta may mắn được làm người, đây chẳng phải là một chuyện đáng vui mừng hay sao?
Thứ hai, nam nữ là khác biệt, nam nhân tại thượng, nữ nhân tại hạ, ta may mắn được làm một nam nhân, đây chẳng phải lại là một điều đáng vui mừng?
Thứ ba, có người khi còn trong trứng thì đã đoản mệnh chết non. Ta có thể sống đến 95 tuổi, đây chả phải là chuyện đáng vui?
Vậy thì còn có gì để khiến ta phải ưu tư lo lắng đây!”
Khổng Tử tán thán nói: “Quả thực là một vị khoái đạt minh trí!”
(Theo “Khổng tử gia ngữ”)
Lê Hiếu biên dịch