Cuộc đấu trí của Tôn Tẫn và Bàng Quyên: Tâm đố kỵ hại mình hại người
Bàng Quyên và Tôn Tẫn đều là danh tướng trong thời kỳ Chiến Quốc, cả hai đều là học trò của học giả nổi tiếng Quỷ Cốc tiên sinh. Tuy nhiên, kết cục đối lập của 2 nhân vật lịch sử này đã trở thành bài học sâu sắc cho người đời sau.
Bàng Quyên và Tôn Tẫn đều là danh tướng trong thời kỳ Chiến Quốc, cả hai đều là học trò của học giả nổi tiếng Quỷ Cốc tiên sinh. Tuy nhiên, kết cục đối lập của 2 nhân vật lịch sử này đã trở thành bài học sâu sắc cho người đời sau.
Tôn Tẫn lừng danh khắp các nước chư hầu, tác phẩm quân sự nổi tiếng “Binh pháp Tôn Tử” còn được lưu truyền mãi đến ngày nay. (Ảnh: Epoch Times)
Tôn Tẫn là con cháu của nhà quân sự nổi tiếng Tôn Vũ, vốn được truyền dạy về “Tôn Tử binh pháp”. Còn Bàng Quyên là một người gian ngoan quỷ quyệt, vì mục đích cá nhân đã tìm đủ cách tiếp cận với Tôn Tẫn và hai người kết nghĩa làm anh em.
Bàng Quyên là người nước Ngụy, khi được tin Ngụy Huệ Vương cũng muốn học theo lối Tần Hiếu Công đã chiêu nạp các hào kiệt như Thương Ương, v.v…, khiến nước Tần trở nên giàu mạnh và được làm bá chủ, nên cũng muốn đến thử xem sao. Ông ta vốn biết sư huynh Tôn Tẫn còn tài giỏi hơn mình, bèn đến hỏi ý xem sao, Tôn Tẫn nghe xong liền tỏ ý tán thành ngay.
Trước khi chia tay, Bàng Quyên nói với Tôn Tẫn rằng: “Nếu tôi được nước Ngụy trọng dụng, thì nhất định sẽ tiến cử sư huynh để cùng nhau chung hưởng phú quý”.
Bàng Quyên tuy xấu thói, nhưng cũng là một người tài ba, ông ta đem lý lẽ và phương pháp dụng binh trị nước của mình kể cho Ngụy Huệ Vương nghe, nhà vua đồng ý liền cử Bàng Quyên làm đại tướng. Từ đó, Bàng Quyên ngày ngày bày binh bố trận, thao luyện quân mã. Ít lâu sau đã đánh thắng được các nước nhỏ ở xung quanh, nước Tề là nước lớn ở phương Đông cũng bị đánh bại. Từ đó Ngụy Huệ Vương càng thêm tín nhiệm Bàng Quyên, khiến Bàng Quyên trở nên càng ngông cuồng tự đại. Nhưng hắn cũng có một mối lo về người sư huynh Tôn Tẫn, có học vấn cao lại thông thạo “Binh pháp Tôn Tử”, một khi được nước khác trọng dụng mà trở thành đối thủ của mình thì nguy to.
Bàng Quyên bèn tiến cử Tôn Tẫn với Ngụy Huệ Vương, nhà vua vốn biết tiếng Tôn Tẫn là người tài giỏi bèn đồng ý ngay. Tức thì Tôn Tẫn được mời đến nước Ngụy để cộng sự với Bàng Quyên. Nhưng Bàng Quyên làm như vậy là có dụng ý xấu, hắn đã nhiều lần gièm pha Tôn Tẫn trước mặt Ngụy Huệ Vương, khiến nhà vua ra lệnh cắt bỏ hai miếng xương đầu gối của Tôn Tẫn.
Sau khi Tôn Tẫn bị nhục hình, Bàng Quyên lại tỏ ra vô cùng thương xót đến đón Tôn Tẫn về nhà mình điều trị, Tôn Tẫn thấy vậy rất cảm động rồi hứa sẽ truyền “Binh pháp Tôn Tử” cho Bàng Quyên. Cũng may có một người coi ngục tốt bụng đã mách với Tôn Tẫn biết rõ sự thực. Mãi đến lúc này Tôn Tẫn mới biết Bàng Quyên là một tên mặt người dạ thú. Ít lâu sau, Tôn Tẫn bỗng bị điên dại, suốt ngày chỉ lang thang đầu đường xó chợ, có lúc còn bốc phân lợn ăn. Bàng Quyên cho người theo dõi rất lâu, thấy vậy liền cho rằng Tôn Tẫn đã thực sự bị điên, rồi lơ là việc theo dõi. Bấy giờ, có một sứ thần nước Tề đến nước Ngụy đã lén lút vực Tôn Tẫn lên xe rồi đưa về nước Tề.
Đại tướng Điền Kỵ nước Tề vốn biết Tôn Tẫn là một viên tướng tài, bèn tiến cử với Tề Uy Vương, nhà vua muốn phong Tôn Tẫn làm quan, nhưng Tôn Tẫn từ chối rằng: “Không có công thì không hưởng lộc, hơn nữa Bàng Quyên mà biết tôi ở đây thì thật không tiện. Chi bằng đại vương cho tôi ra sống ẩn cư một thời gian, khi nào đại vương cần đến thì tôi nguyện dốc hết sức mình “. Tề Uy Vương đành phải nhận lời.
Năm 353 TCN, Ngụy Huệ Vương cử Bàng Quyên dẫn quân sang đánh nước Triệu, thủ phủ Hàm Đan bị vây khốn, nước Triệu đành phải cầu viện với nước Tề, Tề Uy Vương bèn phong Điền Kỵ làm đại tướng, Tôn Tẫn làm quân sư cùng dẫn quân sang cứu nước Triệu. Điền Kỵ muốn kéo quân thẳng đến giải vây Hàm Đan, thì Tôn Tẫn khuyên rằng: “Chúng ta phải hư hư thực thực thì tình thế tất đảo ngược. Nay chủ lực của quân Ngụy đều tập trung vây thành Hàn Đan, trong nước tất bỏ trống. Chúng ta hãy kéo sang vây thành Tương Lăng nơi yết hầu quân sự của nước Ngụy, thì Bàng Quyên tất phải rút quân về chi viện, bấy giờ chúng ta mới chặn đánh chúng ở nửa đường thì tất đánh bại chúng”. Điền Kỵ nghe theo kế này, quả nhiên Bàng Quyên bị thất bại buộc phải rút quân về nước.
Năm 342 TCN, Bàng Quyên lại dẫn quân sang đánh nước Hàn, nước Hàn phải sang cầu viện nước Tề, bấy giờ Tôn Tẫn lại dùng kế như trước, không trực tiếp sang giải vây cho nước Hàn, mà dẫn quân đánh thẳng vào thủ đô nước Ngụy, Bàng Quyên lại phải rút quân về cứu, nhưng khi về đến nơi thì quân Tề đã bỏ đi từ lâu. Bàng quyên bị Tôn Tẫn hai phen chọc tức liền ra lệnh truy kích.
Bàng Quyên thắp đuốc và tìm thấy một mảng lớn của thân cây có khắc dòng chữ “Bàng Quyên tất chết dưới cái cây này!”. (Ảnh: NTDTV)
Tôn Tẫn đã dùng kế “Cắm trại giảm lò bếp” để dụ địch, khiến Bàng Quyên nhầm tưởng quân Tề đào ngũ rất đông, nên đuổi thẳng một mạch đến thung lũng Mã Lăng. Bấy giờ trời đã tối, bỗng nghe quân lính đến báo phía trước bị gỗ đổ chắn lối, Bàng Quyên vội vàng đến xem thì quả nhiên không có lối đi, trước mặt còn một cây gốc chưa bị chặt trên viết mấy chữ “Bàng Quyên tất chết dưới gốc cây này”.
Bàng Quyên thấy vậy sửng sốt liền hô quân lui trở ra thì đã quá muộn. Bấy giờ tên đạn từ bốn bề bắn xuống như mưa, tiếng hò reo dậy đất, Bàng Quyên bị trúng tên chết, toàn bộ quân Ngụy đều bị tiêu diệt.
Từ đó, Tôn Tẫn lừng danh khắp các nước chư hầu, tác phẩm quân sự nổi tiếng “Binh pháp Tôn Tử” còn được lưu truyền mãi đến ngày nay.
Mai Mai sưu tầm