Website của bạn đã sẵn sàng cho mùa bán hàng cuối năm
Website của bạn đã sẵn sàng cho mùa bán hàng cuối năm
Giáng sinh và năm mới đang gần kề, nhu cầu mua hàng tăng cao đồng nghĩa với việc các nhà kinh doanh phải gấp rút bắt tay vào chuẩn bị mọi khía cạnh để quy trình bán hàng được diễn ra thuận lợi. Một nghiên cứu chỉ ra rằng: “Quý cuối năm không chỉ chứng kiến sự tăng đột biến về số lượng đơn hàng, mà giá trị trung bình của đơn hàng cũng tăng lên đáng kể. Thực tế đối với nhiều nhà bán lẻ, doanh thu dịp cuối năm có thể chiếm đến 40% tổng doanh thu cả năm”.
Chuỗi bài Tăng tốc doanh thu dịp cuối năm của Subiz sẽ giúp bạn nắm được từng bước những việc cần phải chuẩn bị cho khoảng thời gian bận rộn này, để tận dụng hết mọi cơ hội và tạo nên bứt phá về lợi nhuận.
Chuỗi bài gồm 5 phần:
-
Phần 1: Website của bạn đã sẵn sàng cho mùa bán hàng cuối năm
-
Phần 2: Tạo cú hích doanh thu dịp cuối năm
-
Phần 3: Tìm cảm hứng cho hoạt động truyền thông mạng xã hội dịp cuối năm
-
Phần 4: Sẵn sàng để cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất dịp cuối năm
-
Phần 5: Tương tác hiệu quả qua live chat khi khách hàng tăng cao dịp cuối năm
Website là yếu tố quan trọng đầu tiên trong kinh doanh trực tuyến. Với đặc thù dịp cuối năm là nhu cầu tham khảo sản phẩm lớn, lượng truy cập tăng cao, website của bạn cần phải thực sự tối ưu, hấp dẫn và “sung sức”. Cùng tìm hiểu phần đầu tiên trong chuỗi bài để chuẩn bị tốt nhất cho cửa hàng trực tuyến của bạn nhé!
Sẵn sàng cho lượng truy cập tăng cao
Lượng truy cập gia tăng đột biến có nguy cơ dẫn đến những trải nghiệm tồi tệ cho khách hàng như website bị sập, tải chậm, không hoàn thành được các bước đặt hàng… Điều này đòi hỏi bạn phải chuẩn bị các phương án kĩ thuật để tránh tình trạng này. Hãy kiểm tra tốc độ truy cập trang xem có đủ đáp ứng lượng truy cập cao đột biến hay không.
Điều quan trọng nhất là bạn nên kích hoạt CDN (Content Delivery Network – mạng phân phối nội dung). CDN một hệ thống máy chủ trên toàn cầu làm nhiệm vụ lưu bản sao của các nội dung tĩnh bên trong website, sau đó phân tán nó ra nhiều máy chủ khác và từ đó gửi tới cho người dùng truy cập vào website. Ưu điểm khi sử dụng CDN là có thể tiết kiệm băng thông cho máy chủ gốc, tăng tốc lượt truy cập, tiết kiệm dung lượng và chi phí. Như vậy, hệ thống này có thể giảm tải gánh nặng cho máy chủ của bạn, giúp website vận hành mượt mà và hiệu quả hơn.
Mô hình truy cập của người dùng vào một website thông thường
Mô hình truy cập vào website có sử dụng CDN, trong đó các PoP CDN lấy nội dung từ máy chủ
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa tài nguyên hệ thống dựa theo nhu cầu người dùng vào các thời điểm khác nhau trong ngày, bạn có thể sử dụng auto-scaling (mở rộng quy mô tự động) – một tính năng của dịch vụ điện toán đám mây có thể thêm hoặc loại bỏ tài nguyên tính toán tùy thuộc vào lượng sử dụng thực tế.
Trên thực tế có rất nhiều dịch vụ lưu trữ chuyên nghiệp mà bạn nên đầu tư cho website của mình để tránh những tình huống xấu có thể xảy đến khi đón chào khách hàng ghé thăm cửa hàng trực tuyến. Website vận hành tốt đồng nghĩa với giảm tỉ lệ rủi ro cho đơn hàng, vì chẳng ai muốn phải tải đi tải lại một trang mua hàng, họ sẽ ghé thăm website đối thủ của bạn đấy!
Đáp ứng nhanh nhạy cho khách mua hàng từ mọi thiết bị
Nghiên cứu gần đây của Criteo tiến hành với hơn 3000 nhà bán lẻ trực tuyến cho thấy 40% giao dịch được diễn ra trên nhiều thiết bị (multiple devices), dẫn dầu là điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Quá trình mua hàng từ nhiều thiết bị ngày càng phổ biến, khi người tiêu dùng có thể tìm thấy một danh mục sản phẩm họ ưa thích từ điện thoại, sau đó nghiên cứu tìm hiểu về nó trên máy tính cá nhân, cuối cùng là đặt hàng bằng máy tính bảng. Họ có thể mua sắm ở mọi nơi: ngồi trong nhà, trên một chuyến tàu, trong quán cà phê hay tại nơi làm việc. Ở mỗi nơi, mỗi lúc họ sẽ sử dụng những thiết bị khác nhau. Đó là lí do tại sao bạn cần sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi, mọi yêu cầu đặt hàng trên mọi thiết bị của họ.
Hơn nữa, theo báo cáo về Thương mại Di động quý 3 năm 2015 của Criteo: những người mua hàng trên nhiều thiết bị có khả năng hoàn thành đơn hàng trên di động nhiều hơn 20% những khách hàng thông thường.
Website của bạn cần phải được thiết kế để tương thích trên nhiều thiết bị
Chính vì vậy, không có một chiến lược trên thiết bị di động đồng nghĩa với việc bạn đang đẩy khách hàng của mình cho đối thủ. Hãy thiết kế website có giao diện và các chức năng thân thiện cho từng loại thiết bị, từ website thông thường cho đến trang web trên điện thoại di động, ứng dụng di động và kết hợp. Thêm nữa, để có thể phản hồi nhanh nhất cho khách hàng, chức năng live chat tích hợp với website cũng cần được tối ưu trên mọi thiết bị.
Cập nhật đầy đủ sản phẩm
Website bán hàng không chỉ đóng vai trò quảng bá cho doanh nghiệp mà nên được thiết kế để chuyên nghiệp hóa phục vụ cho khách mua hàng cuối cùng. Vì vậy, các sản phẩm phải được xuất hiện với các nội dung cập nhật đầy đủ, nổi bật và thân thiện với người dùng.
Cập nhật đầy đủ sản phẩm bao gồm toàn bộ các sản phẩm hiện có của thương hiệu phải được xuất hiện trên website, bên cạnh đó, mỗi sản phẩm phải có đầy đủ thông tin để khách hàng tham khảo một cách thuận tiện và rõ ràng nhất. Mỗi sản phẩm nên đi kèm hình ảnh chân thực, bắt mắt từ nhiều góc độ, các thông tin về mô tả sản phẩm, chức năng, giá bán, quy cách, số lượng hiện hành… giúp quá trình mua hàng được rút ngắn một cách tích cực.
Thêm vào đó, hãy suy nghĩ đến việc sản xuất thêm các mặt hàng bán chạy nhất trong năm để bổ sung vào đợt bán hàng cuối cùng này. Chọn những sản phẩm nổi bật, để chúng xuất hiện thật “hoành tráng” trên trang chủ cùng với các thông báo khuyến mại, chắc chắn khách hàng sẽ không thể “thoát” khỏi trang web của bạn dễ dàng.
Đa dạng hóa phương thức thanh toán
Xác định phương thức thanh toán là giai đoạn cực kì quan trọng, là bước cuối cùng quyết định đơn hàng có được thực hiện thành công hay không. Vì vậy, đừng làm khách hàng “mếch lòng” ở bước này. Vậy tại sao bạn không mở rộng nhiều phương thức thanh toán khác nhau bên cạnh những phương thức sẵn có ngay mùa mua sắm cuối năm này?
Ở Việt Nam, phương thức thanh toán chủ yếu và được khách hàng ưa chuộng nhất là COD (cash on delivery – thanh toán khi nhận hàng). Đây là phương thức chứa nhiều rủi ro vì khách hàng có thể từ chối nhận hàng khi đã vận chuyển, tuy nhiên nếu website không có hình thức thanh toán này, bạn rõ ràng sẽ mất đi một lượng khách hàng không nhỏ.
Đa dạng hóa phương thức thanh toán để thuận tiện cho khách hàng
Các hình thức thanh toán phổ biến khác có thể kể đến là chuyển khoản ngân hàng (Thông qua ATM hoặc giao dịch trực tiếp tại ngân hàng); Thanh toán bằng hệ thống chuyển tiền; Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều website bán hàng cũng đã tích hợp thanh toán bằng ví điện tử cho khách hàng… Nếu website của bạn còn thiếu hình thức nào thì đây là thời điểm bạn nên bổ sung thêm, đồng thời bạn cũng nên có chức năng thông tin hướng dẫn thanh toán rõ ràng cho mỗi hình thức để khách hàng không cảm thấy lạ lẫm và bối rối.
Không thay đổi quá lớn về mặt UX
Nhiều người sẽ bắt đầu tìm kiếm quà tặng cuối năm hoặc xem xét sắm sửa trước khi những ngày lễ diễn ra, nhưng không có nghĩa họ sẽ mua luôn. Điều này có nghĩa họ sẽ lưu lại danh sách sản phẩm yêu thích, so sánh với các thương hiệu khác rồi sau đó mới trở lại website của bạn vào dịp khuyến mại để tiến hành mua.
Đây chính là lí do bạn không nên thay đổi quá lớn trên website của mình về mặt UX (User experience – trải nghiệm khách hàng) vào thời gian này. Nó có thể ảnh hưởng đến quá trình mua sắm của khách hàng, gián đoạn các tiến trình họ đang thực hiện. Nếu khách hàng phải trải nghiệm một website lạ lẫm, họ có thể không còn kiên nhẫn và kết quả là bạn mất đơn hàng.
Điều này không có nghĩa là bạn phải giữ nguyên mọi thứ của website như bình thường. Hãy trang hoàng và nâng cấp để trang của bạn trở nên hấp dẫn và chất lượng hơn, còn những thay đổi mạnh về điều hướng và có khả năng ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng thì hãy dành sự cân nhắc kĩ hơn.
Trang trí website
Cửa hàng trực tuyến cũng giống như cửa hàng thông thường. Việc trang trí và đem không khí dịp lễ tới website bán hàng sẽ thu hút khách hàng và khiến họ ấn tượng, hào hứng mua hàng hơn. Quan trọng hơn là khách hàng cảm nhận được sự chăm chút và đầu tư nghiêm túc cho hoạt động kinh doanh của bạn.
Cửa sổ chat trực tuyến là phần liên tục xuất hiện trước mắt khách hàng và đây cũng là phần trang trí bạn không nên bỏ qua.
Chẳng hạn như với cây thông, ông già Noel, tuyết rơi…, không quá khó để khách hàng của bạn cảm thấy Giáng sinh đang đến rất gần.